Điện tử, CNTT sẽ là ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam
Điện tử, CNTT sẽ là ngành công nghiệp chủ lực của Việt Nam
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam, đến năm 2020, ngành điện tử, CNTT sẽ trở thành ngành công nghiệp chủ lực, chiếm tỷ trọng từ 9 - 10% trong cơ cấu ngành công nghiệp Việt Nam.
- Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Công nghiệp Việt Nam đến năm 2020 được phê duyệt, trong đó xây dựng ngành điện tử, CNTT trở thành ngành công nghiệp chủ lực.
- Định hướng khuyến khích phát triển sản xuất các phần mềm tin học phục vụ cho các ngành công nghiệp và tham gia vào thị trường xuất khẩu.
- Nhiệm vụ quan trọng từ nay đến năm 2020 là nghiên cứu thiết kế, sản xuất, lắp ráp các thiết bị điện tử chuyên dụng, sản xuất robot công nghiệp, sản xuất một số linh kiện, phụ kiện điện tử, cơ điện tử thông dụng.
“Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng công nghiệp và xây dựng trong GDP sẽ chiếm 42 - 43% và năm 2030 chiếm 43 - 45%.
Có hiệu lực thi hành từ tháng 6/2014, một nội dung nổi bật của bản Quy hoạch này là việc sẽ xây dựng ngành điện tử, CNTT trở thành ngành công nghiệp chủ lực để tạo cơ sở hỗ trợ cho các ngành khác phát triển.
Một mục tiêu cụ thể đã được đề ra trong Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam là đến năm 2030 ngành điện tử, CNTT sẽ tự cung cấp được 80% nhu cầu phần mềm cho cả nước (Nguồn ảnh: Internet)
Cùng với việc tiếp tục phát triển phương thức lắp ráp các thiết bị điện tử, tin học để đáp ứng nhu cầu sản phẩm điện tử trong nước và tham gia xuất khẩu; tăng cường liên kết với các tập đoàn điện tử, tin học lớn trên thế giới để tiếp nhận công nghệ hiện đại và tăng năng lực sản xuất linh kiện trong nước, “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” cũng nêu rõ định hướng khuyến khích phát triển sản xuất các phần mềm tin học phục vụ cho các ngành công nghiệp và tham gia vào thị trường xuất khẩu.
Mục tiêu đặt ra đối với ngành điện tử, CNTT là tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của ngành này giai đoạn đến năm 2020 sẽ đạt 17 - 18% và giai đoạn đến năm 2030 đạt 19 - 21%. Đồng thời, đến năm 2020 tỷ trọng ngành điện tử, CNTT chiếm 9 - 10% trong cơ cấu ngành công nghiệp và đáp ứng 65 - 70% nhu cầu thị trường; năm 2030 chiếm tỷ trọng 12 - 13% và đáp ứng 75 - 80 nhu cầu.
Cũng theo Quy hoạch, một nhiệm vụ quan trọng từ nay đến năm 2020 là nghiên cứu thiết kế, sản xuất, lắp ráp các thiết bị điện tử chuyên dụng, sản xuất robot công nghiệp, sản xuất một số linh kiện, phụ kiện điện tử, cơ điện tử thông dụng. Trong đó, tập trung vào 4 nhóm dự án và chương trình (máy tính và thiết bị văn phòng, thiết bị điện tử chuyên dụng, thiết bị điện tử dân dụng, công nghiệp phần mềm) với các mục tiêu cụ thể.
Một nhiệm vụ nữa đối với ngành điện tử, CNTT đã được xác định trong bản Quy hoạch là đến năm 2030, bên cạnh việc phấn đấu để tự cung cấp 80% nhu cầu phần mềm cho cả nước, sẽ đa dạng hóa chủng loại, mẫu mã các thiết bị phần cứng đáp ứng trên 70% nhu cầu trong nước, tăng tỷ trọng thiết bị không dây theo nhu cầu; và các thiết bị, công nghệ được chuyển hoàn toàn sang kỹ thuật số.
Theo Vụ CNTT thuộc Bộ TT&TT, trong năm 2013 ước tính tổng doanh thu công nghiệp CNTT Việt Nam đạt khoảng 37 tỷ USD, tăng khoảng 45% so với tổng doanh thu năm 2012 và gấp gần 3 lần tổng doanh thu công nghiệp CNTT năm 2011. Và trong tổng số 37 tỷ USD doanh thu công nghiệp CNTT năm 2013, có 34 tỷ USD là doanh thu từ công nghiệp phần cứng và doanh thu của công nghiệp phần mềm, dịch vụ chỉ đạt khoảng 3 tỷ USD.
Theo Ictnews.